Là huyết mạch của hệ thống phanh thủy lực của ô tô, dầu phanh đóng vai trò quyết định tới sự vận hành an toàn của xe. Dầu phanh có đặc tính vật lý khác hoàn toàn với các loại dầu mỡ bôi trơn động cơ, dầu trợ lực lái. Nếu như các loại dầu này có tác dụng làm giảm ma sát, làm mát ổ trục máy… thì dầu phanh lại đảm nhận vai trò truyền lực là chủ yếu. Do mang đặc tính không chịu nén của chất lỏng nên dầu phanh có thể truyền lực tác động từ bàn đạp phanh đến các bộ phận của hệ thống phanh một cách chính xác nhất. Chức năng truyền lực này đòi hỏi dầu phanh phải có độ nhớt khá cao trong khi chỉ số độ nhớt lại nhỏ. Tính chất hóa lý của dầu phanh phải ổn định, độ bay hơi thấp và điều đặc biệt là không có bọt.
Các dòng xe ở Việt Nam hiện nay thường sử dụng 3 loại dầu phanh chính gồm dầu DOT 3, DOT 4 và DOT 5. Trong đó loại DOT 3 và DOT 4 được sử dụng phổ biến và chúng có đặc tính háo nước còn DOT 5 thì không có tính háo nước.
Cần kiểm tra dầu phanh sau một thời gian sử dụng nhất định để luôn đảm bảo mức dầu cho phép xe vận hành an toàn. Khi phát hiện mức dầu xuống thấp, dầu bị nhiễm không khí hoặc nước, cần kịp thời bổ sung hoặc thay dầu.
Nên dùng dầu có chỉ số DOT có ghi trên nắp bình dầu phanh để tránh việc tác dụng lẫn nhau tạo cặn và các chất ăn mòn trong dầu
Các bước kiểm tra dầu phanh
Mở nắp ca-pô và quan sát bình dầu phanh. Bình này có 2 vạch: vạch trên ghi chữ “fill to”, “full”, hoặc “maximum”; vạch dưới ghi chữ “add” hoặc “minimum”. Một số dòng xe đời mới, trên bình dầu phanh có gắn cảm biến mức dầu. Khi dầu xuống dưới mức thấp đèn báo hiệu sẽ nổi trên táp-lô.
Dầu phanh ở mức thấp có thể do rò rỉ trong hệ thống phanh hoặc má phanh, đĩa phanh quá mòn. Nếu chưa có điều kiện, bạn có thể bổ sung thêm dầu nhưng phải hút bớt đi khi thay má hoặc đĩa phanh mới.
Các đường ống dẫn dầu phanh trên ô tô đều là loại ống thép để hạn chế sự xâm nhập của nước
Đối với những xe mới, hệ thống phanh có thể coi là kín tuyệt đối. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, nước có thể thẩm thấu qua các gioăng, ống cao su (tuy-ô) làm giảm nhiệt độ sôi của dầu. Khi rà phanh nhiều khiến dầu bị bốc hơi, tạo thành các bọt khí ngay trong đường ống.
Ngoài ra, khi má phanh đã bị mòn, dầu không bị hao hụt nhưng xuống thấp dần, khoảng trống trong bình dầu phanh tăng lên. Lúc mở nắp, không khí sẽ lấp đầy khoảng trống đó và có thể lên lỏi vào trong hệ thống. Khi cảm thấy cần phanh đạp rất nhẹ và không ăn, chúng ta phải mang xe đi “xả air”. Nếu có đủ dụng cụ và một chút hiểu biết, bạn cũng có thể tự làm tại nhà mình.
Lưu ý sử dụng đối với dầu phanh
– Thay dầu phanh định kỳ mỗi 40.000km vận hành hoặc từ 2-3 năm theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
– Dầu phanh có tính tẩy sơn mạnh, vì vậy tuyệt đối không để dầu phanh tiếp xúc với vỏ xe.
– Tốt nhất là nên sử dụng đúng loại dầu phanh được nhà sản xuất khuyến cáo.
– Không sử dụng dầu DOT 5 cho những xe được khuyến cáo dùng dầu phanh DOT 3 hoặc DOT 4.
– Có thể dùng dầu DOT 4 cho hệ thống phanh dùng dầu DOT 3 nhưng không nên làm ngược lại.
– Không nên dùng dầu trong lọ đã mở ra quá lâu (khoảng 1 năm).